Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

TỪ NGUYỄN MAI TRUNG TUẤN, NHÌN VỀ NHỮNG BẤT CẬP ( Phần 1 và 2)

Từ Nguyễn Mai Trung Tuấn, Nhìn Về Những Bất Cập

Phần 1.
 


Pháp luật Việt Nam đang dần bộc lộ ra những khiếm khuyết khẳng định là một hệ thống thiếu lôgic, không thống nhất gây nên những chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau. Một số trong những mặt bất cập này có thể thấy được qua sự thiếu nhất quán về xác định độ tuổi của trẻ em hay người chưa thành niên, vấn đề tư hữu đất đai, vấn đề giám định pháp y trong phiên tòa xét xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi vừa diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Long An ngày 24/11/2015.
Như thế nào là người chưa thành niên (NCTN)?
Để xác định một người là thành niên hay chưa người ta thường quy định dựa vào độ tuổi. Theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em tại Điều 1 ghi nhận: Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn. Theo đó ở Việt Nam có quy định tuổi thành niên sớm hơn, tuy nhiên các văn bản pháp luật hiện hành lại có những khác biệt đáng kể.
-       Đối với Luật Bảo vệ, Chăm sóc & Giáo dục trẻ em 2004 Điều 1 quy định trẻ em là công dân dưới 16 tuổi.
-       Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định tại Điều 18: Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên.
-       Luật Thanh niên 2005 quy định tại Điều 1 : Thanh niên trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 16 đến 30 tuổi.
Vụ án của em Nguyễn Mai Trung Tuấn bị xử lý hình sự nên căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: Tại Điều 12 khoản 2 người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy trường hợp của em Nguyễn Mai Trung Tuấn phải là tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị bắt phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tính chất vụ án.
Cũng nên nhắc lại một vụ án khác để so sánh tính chất nghiêm trọng của vụ án này. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ việc sử dụng tra tấn, bức cung nhục hình gây chết người trong vụ án ông Ngô Thanh Kiều diễn ra tại Tuy Hòa vào tháng 4 năm ngoái. Theo bản án sơ thẩm có 2 án treo, hình phạt cao nhất chỉ  5 năm tù giam. Một vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng nhục hình làm chết người và một vụ án ý thức về bảo vệ tài sản, quyền tư hữu, tự vệ bản thân gây nên thương tích cho kẻ khác được pháp y giám định liệu đâu là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng?
Giám định pháp y.
Trung tâm pháp y, Sở Y tế Long An kết luận: Tỷ lệ thương tật hiện tại của ông Nguyễn Văn Thủy (cán bộ Công an huyện bảo vệ đoàn cưỡng chế đất) là: 35%. Dựa vào Điều 12, khoản 2 Bộ luật Hình sự có thể nói đây là một căn cứ hợp pháp đủ để truy tố trách nhiệm hình sự em Tuấn.
Tuy nhiên bất cập tồn động là liệu cơ quan này có đủ khả năng giám định chính xác không khi nó đã từng có quá nhiều sai sót trong quá khứ? Đã có những trường hợp bị bắt vào tù bởi những bản giám định pháp y oan nghiệt được các giám định viên phù phép, hư cấu theo ý thích vì lợi lộc cá nhân chứ không phải vì “ẩu” hay thiếu kinh nghiệm. Cụ thể như trong vụ án của nam sinh Đỗ Quang Thiện (1) kết quả giám định oan trái khiến em từ nhà trường phải vào trại giam. Hay vụ ông Trần Việt Bắc, giám đốc Trung tâm Giám định tỉnh Cà Mau biến hàng loạt các bản giám định nhẹ thành nặng, nặng thành nhẹ (2). Theo Luật Giám định tư pháp, tại Điều 10 và Điều 6 quy định: Miễn nhiệm giám định viên tư pháp nếu giám định viên:
1. Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.
2. Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
3. Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp.
4. Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.
5. Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.
6. Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
7. Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.
Tuy nhiên đa phần các giám định viên sau sai phạm của mình đều không bị truy cứu trách nhiệm. Do vậy, điều này như trở thành một thói quen tùy tiện. Thực tế, trong một đất nước toàn trị, mọi sự đều có dây mơ rễ má quy về một mối “Đảng và Nhà Nước” khiến những cơ quan có thẩm quyền mang nặng tư tưởng là “những người cùng hội cùng thuyền” vì vậy họ dung túng, bao che lẫn nhau để đồng nghiệp được thoát tội. Các trường hợp bị phát hiện đem ra công luận, bất khả kháng cũng chỉ xử lý cho qua loa lấy lệ.

Phần  2.

Sáng ngày 24/11/2015, Tòa án huyện Thạnh Hóa - Long An đã xét xử công khai em Nguyễn Mai Trung Tuấn (15 tuổi) về tội danh ‘cố ý gây thương tích’ theo điểm k, khoản 3, Điều 104 Bộ luật Hình sự: Cố ý gây thương tích cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
Sự việc này làm dấy lên các vấn đề liên quan đến giải tỏa đền bù đất đai ở Việt Nam Ngoài trường hợp của gia đình em Tuấn, hiện tại còn rất nhiều gia đình khác cũng là nạn nhân của vấn đề giải tỏa đất đai đền bù không thỏa đáng mà trước đây nổi bật là trường hợp ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng.(3)
Bất Cập Từ Việc Đền Bù.
Hầu hết những vụ việc cưỡng chiếm đất đai này đều có diễn tiến xấu. Vì những thỏa thuận đền bù không thỏa đáng, chưa đâu vào đâu đã bị chính quyền tiến hành cưỡng chế. Những ngôi nhà bị giải tỏa khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh không nhà không cửa và cuối cùng khi con người ta bị ép vào đường cùng họ phải dùng những thứ còn lại bằng tất cả sức lực của mình để bảo vệ cho mảnh đất của họ.
Việt Nam, vì là một quốc gia cộng sản nên việc tư hữu rất hạn chế. Theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 53: “Đất đai… là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Một điều luật  khá mơ hồ, trong khi giả định tài sản đất đai thuộc sở hữu của nhân dân nhưng vì nhân dân là một cụm từ chung chung không đích danh một ai nên nhà nước trở thành chủ thể quản lý tài sản này.
Và trong thực tế, người dân chỉ được tạm quyền sử dụng có thể bị thu hồi đất bất cứ khi nào như khoản 3, khoản 4, Điều 54 ghi rằng: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong trường hợp cần thiết… vì mục đích an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội”, “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp cần thiết… để thực hiện nhiệm vụ… trong tình trạng khẩn cấp”. Quá trình thu hồi đất này mặc dù được ghi nhận “do luật định” nhưng không có một cơ quan nào định đoạt giá cả thu hồi cho thỏa đáng.
Giải Pháp Khả Thi.
Để giải quyết các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân, giải pháp khả thi là trả lại quyền tư hữu đất đai cho cá nhân công dân, đồng thời xây dựng một quá trình thu hồi đất đai để “phục vụ các công trình công cộng, phúc lợi xã hội” rõ ràng, minh bạch, và công khai hơn.
Nếu công dân được quyền tư hữu đất đai, sẽ có hai điều nảy sinh khi có tranh chấp giữa chính quyền và công dân. Thứ nhất khi cơ quan công quyền muốn sử dụng đất đai của công dân để phục vụ cho các công trình mang tính chất công cộng thì sẽ phải qua một quá trình thỏa thuận. Quá trình này sẽ có một bên là cơ quan công quyền (cơ quan hành pháp) và bên kia là tổ chức, cá nhân công dân. Tòa án (Cơ quan tư pháp) sẽ là cơ quan để ra quyết định quyết về một giá cả, mức thỏa thuận hợp lý. Nếu chưa có quyết định cuối cùng từ tòa án, việc cưỡng chế thu hồi đất như hiện tại được coi như là một sự xâm phạm tài sản cá nhân được bảo hộ bởi pháp luật.  Lúc này, tất yếu tổ chức, cá nhân công dân có quyền dùng các biện pháp có thể để bảo vệ tài sản bất khả xâm phạm của mình. Một điều cần phải chú ý trong giải pháp này để phán quyết từ Tòa án được công bằng chúng ta cần phải có một Tư pháp độc lập.


Sài gòn 28/11/2015 – Nhánh Luật bcLH.
Ghi Chú:
* Thỉnh Nguyện Thư Gửi Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ Về Trường Hợp Em Nguyễn Mai Trung Tuấn: https://petitions.whitehouse.gov/petition/petition-urging-congress-and-president-obama-intervene-stop-violations-childrens-rights-vietnam




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét