Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015


BÊN LỀ ĐỔ NÁT

Nhìn lại lịch sử nhân loại.

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, sự thành công của cách mạng Pháp khiến hàng loạt các quốc gia chuyên chế phong kiến Châu Âu sụp đổ nhanh chóng. Chỉ trong một ngày [14/10/1806 ] quân đội Napoléon đã đánh bại quân đội Phổ.  Dưới sức ép hoặc cải cách hoặc tiêu vong ép buộc Phổ phải chấp nhận cải tổ. Đặc trưng của cuộc đại cải tổ này là vấn đề về cải cách giáo dục hầu mong muốn vực dậy một đất nước đã kiệt quệ dưới chế độ vương quyền Phổ và gánh nặng chiến tranh để lại.
Wilhelm von Humboldt là người được giao trọng trách. Ông tin tưởng, không có gì trên trái đất quan trọng bằng sự phát triển con người trong tính đa dạng phong phú của tính cách cá nhân. Đặt nền tảng trên tinh thần khai sáng và nhân văn, Humboldt đưa nền giáo dục Phổ vượt qua rào cản của các định kiến đương thời và về sau trở thành niềm tự hào của Đức trong lịch sử Âu Châu.
Một trường hợp khác về sự đổi mới phá cũ đó là sự bừng tỉnh của Nhật Bản. Ý thức về tầm quan trọng của con người, trong phong trào Minh Trị Duy Tân, giáo dục được thúc đẩy như đòn bẩy trọng yếu cho công cuộc cải tổ. Kết quả sau Duy Tân, Nhật bản từ một nước yếu kém và lạc hậu trở thành một nước có sức mạnh toàn diện khiến các nước phương tây phải bất ngờ, thán phục.


Việt Nam sẽ đi về đâu?

Nhìn lại lịch sử nhân loại thật trăn trở cho tương lai của dân tộc. Hiểm họa Bắc thuộc, thứ mà nhiều người vẫn thường nhắc đến. Nhưng hãy thử từ một cái nhìn toàn cảnh. Chẳng cần phô bày lại cảnh tượng bạo lực học đường, hôi của, chôm chỉa, cướp bóc, giết người dã man, chúng ta vẫn sẽ thấy ngay văn hóa Việt đã vào giai kỳ suy thoái. Đó, là hồi chuông cảnh báo nguy cơ tự giải thể dân tộc mà chúng ta không thể phớt lờ.
Mặc dù tất cả đều đang dự trong cùng một câu chuyện, trải nghiệm và viết tiếp lịch sử. Nhưng vì mỗi nhóm người viết một cách, với một mục tiêu riêng lẻ nên chúng ta không có một căn cứ hiển nhiên nào để có thể đoán chắc được tương lai của dân tộc mình.
Cũng như niềm tin vào cái mỏ neo của một con thuyền đang chao đảo giữa đại ngàn sóng dữ. Tin tưởng và trông chờ vào chính quyền hiện tại, hay bất kể một lực lượng chính trị nào đi nữa cũng không chắc chắn. Tất cả thứ đó đều có khả năng khiến chúng ta tổn thương. Chúng ta không thể nào trông cậy vào nó, vì chúng ta sẽ gặp rắc rối khi quyền lực chính trị của nó đặt ra vô kể những giới hạn lên chúng ta.
Người Đức hay Nhật Bản đều không làm nên cái cao cả của họ do đặt kỳ vọng trên một chính thể nào. Thay vì vậy, họ ra sức xây dựng sức mạnh nội lực, phát triển tiềm năng bên trong bản thân mỗi cá thể quốc gia. Qua con đường giáo dục, họ tin tưởng trong tương quan giữa cá thể và quốc thể thì cá thể chính là tác nhân làm nên giá trị của quốc thể. Có một câu chuyện trong cuộc đại cải tổ Đức: Khi một cư dân Đức bước ra từ một ngôi nhà vương quyền đã đổ sụp vì chiến tranh. Anh ta tự hỏi bản thân, liệu rồi những bất hạnh của anh ta có cho phép anh ta cái quyền được tự hào về mình. Câu trả lời là: Có! Bởi cái làm nên giá trị của anh ta là phẩm chất tinh thần của anh ta, nó không hề mất đi ngay cả khi một hệ thống chính trị có sụp đổ. Như Schiler[1] đã khẳng định, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là sự độc lập giữa tính chất quốc gia với chính trị. Chừng nào mà thứ giá trị ấy còn tiếp tục được củng cố, được xây dựng, được làm cho phát triển thêm thì chừng đó chúng ta còn có quyền tự hào. Quan trọng là chúng ta có thể đoàn kết, và kiên tâm cùng thực hiện một giấc mơ tự tôn dân tộc hay để nó chỉ còn là chiếc bóng lẻ loi bên dòng lịch sử 4000 năm văn hiến?

Chung tay xây dựng một tinh thần mới.

Như những nhà cải tổ Phổ nhận định, muốn cải cách nhà nước và xã hội cho hiệu quả trước hết ta phải “tạo nên một tinh thần mới” cho con người. Cái “tinh thần mới” này là làm cho tinh thần bên trong mỗi người trở nên tự chủ và vượt thoát sự bó buộc trong thế giới mưu sinh. Vì vậy trong bối cảnh hiện tại giáo dục chính là một phương thức cứu cánh để tạo nên cái mới này.
Mặc dù giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà nước, nhưng nền chính trị chuyên quyền đã làm vô hiệu hoá mọi nổ lực cải cách. Đã không tự mình làm được, tại sao nhà nước không tạo điều kiện cho sự chung tay góp sức của những hội đoàn ngoài quốc doanh?
Ở những nền Cộng hòa và Dân chủ như Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, người dân là những người nắm giữ vận mệnh của đất nước nhưng nền chính trị chuyên quyền chỉ sử dụng người dân như những công cụ phục vụ cho chế độ. Những ý kiến thuận chiều mới được dùng để tham khảo, các ý kiến khác bị gạt bỏ thậm chí với những ý kiến chống lại sẽ bị quy chụp, vu vạ vào các điều luật về an ninh quốc gia. Có bao nhiêu người vẫn tiếp tục muốn điều này? Tại sao chúng ta không tự vận động? Chúng ta không thể mãi chỉ kêu gọi, hoặc chỉ đưa ra phương sách chờ đợi cho đến khi nhà cầm quyền ngó ngàng đến nó nữa.
Gần đây có những cố gắng của một nhóm làm sách mang tên Cánh Buồm. Nhưng chỉ một nhóm thì không đủ lực để “tạo nên một tinh thần mới” cho người Việt. Mỗi người chúng ta đều phải có phận sự can dự vào thực hiện trọng trách này. Rèn luyện mình và tác động lên người khác bằng cái đã làm nên chính mình, đó là nguyên lý nền tảng triết học giáo dục của Humboldt. Tất nhiên, ban đầu sự khởi đi chỉ là số ít nhưng nếu không có một, hai người này để khởi đầu thì sẽ không có cơ hội để có những hiệu ứng mạnh hơn. 
Hãy xây dựng tinh thần cho chính mình và giúp người khác tạo nên tinh thần mới cho chính họ. 

                                                            Nguyễn Phương Uyên (Bình Thuận, 23/09/2015).  


[1] Friedrich Schiller (1759-1805) là nhà thơ, nhà soạn kịch, triết gia người Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét